Rục rịch cho loạt dự án giao thông lớn khởi công dịp cuối năm

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công 12 dự án giao thông, trong đó có nhiều dự án giao thông trọng điểm ở một số địa phương.

Tập trung chỉ đạo đưa vào khai thác 16 dự án

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT đã khởi công 8 dự án và hoàn thành 7 công trình, đạt 100% kế hoạch. Riêng trong tháng 8, hoàn thành đưa vào khai thác dự án đầu tư xây dựng QL27 đoạn tránh Liên Khương, Lâm Đồng.

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT tập trung chỉ đạo để hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 16 dự án gồm: Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn; nâng cấp đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24; cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25...

Trong tháng 9 này, có 3 dự án hoàn thành đưa vào khai thác. Cụ thể, dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (Đồng Tháp); cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn (Trà Vinh); cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến TT. Mỏ Cày trên địa bàn Bến Tre và Vĩnh Long.

chuan-bi-khoi-cong-loat-du-an-giao-thong-cuoi-nam

Dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, Đồng Tháp sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 9. Ảnh: dongthap.gov.vn

Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các dự án đang triển khai thi công gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nhân sự của nhà thầu, một số dự án có ca mắc dương tính với COVID-19 nên công nhân, kỹ sư phải cách ly dài ngày.

Cục QLXD&CLCTGT nhận định, quá trình thi công các dự án cũng gặp khó khăn khi công tác phòng chống dịch của một số địa phương chưa thống nhất. Đơn cử như ở một số địa phương yêu cầu test nhanh, nhưng có địa phương lại yêu cầu test PCR; thời gian cách ly theo quy định của mỗi địa phương cũng khác nhau; xe vận chuyển vật liệu lúc cho lưu thông, lúc lại cấm...

Hiện, các ban quản lý, đơn vị thi công, chủ đầu tư các dự án cơ bản triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Trên công trường, các nhà thầu thi công đảm bảo nguyên tắc “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm.

Loạt dự án chờ “bấm nút” khởi công

Thông tin từ Cục QLXD&CLCTGT cho biết, từ nay đến cuối năm Bộ GTVT sẽ khởi công 12 dự án giao thông. Trong đó có nhiều dự án giao thông trọng điểm được triển khai như: Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; dự án 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM; tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; đầu tư xây dựng luồng Sông Hậu giai đoạn 2; xây dựng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; tuyến tránh QL1A đoạn qua TP. Cà Mau; đầu tư QL1A đoạn qua 2 tỉnh Hậu Giang - Sóc Trăng…

Cụ thể, tại miền Bắc, dự kiến trong tháng 10, Bộ GTVT sẽ khởi công dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, gồm 2 tuyến.

Tuyến thứ nhất kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 147km. Trong đó, chiều dài tuyến nâng cấp cải tạo 132,8 km và chiều dài tuyến xây dựng mới hơn 14 km. Còn tuyến thứ hai kết nối Nghĩa Lộ, Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài hơn 51 km. Trong đó, chiều dài đoạn nâng cấp cải tạo 46,8 km, đoạn xây dựng mới dài 4,6 km.

Dự án do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, 2 tuyến đường này được kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Khi hoàn thành, dự án góp phần rút ngắn hành trình 3 tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai đi Hà Nội và ngược lại.

Tiếp đến, khu vực phía Nam là dự án 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM) dài hơn 8,7 km, kết nối từ TL25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, đoạn đi qua Đồng Nai dài 6,3 km, phần còn lại chạy qua TP.HCM.

Tổng mức đầu tư dự án gần 5.300 tỷ đồng từ vốn ODA và vốn đối ứng của trong nước. Riêng, công tác giải phóng mặt sẽ do TP.HCM và Đồng Nai phụ trách thực hiện. Giai đoạn 1, dự án làm 6 làn xe, rộng từ 20-26 m, vận tốc 80 km/h.

Hiện, các cơ quan chức năng cùng các đơn vị đang gấp rút thực hiện, xử lý các công việc đấu thầu dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, giai đoạn 1 để kịp triển khai vào cuối năm.

Còn dự án nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được khởi công trong tháng 10 và dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Nhà ga hành khách T3 có công suất 20 triệu hành khách mỗi năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khách nội địa, sẽ giảm tải cho nhà ga T1, T2.

Khu vực ĐBSCL cũng sẽ khởi công một loạt dự án. Ở An Giang là dự án tuyến tránh TP. Long Xuyên nối nối QL91, dự kiến khởi công gói thầu đầu tiên vào cuối tháng 10. Tuyến đường dài 17 km, điểm đầu nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống, điểm cuối nối với QL91 tại TP. Long Xuyên. Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng.

Ở Cà Mau là dự án tuyến tránh QL1A dài 14,3 km, rộng 12 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, có tổng mức đầu tư hơn 1.725 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách. Trên tuyến đường này, nhà thầu sẽ xây dựng nút giao thông kết nối vào QL1A và 10 cây cầu bắc qua sông rạch.

Một dự án khác là dự án cải tạo QL1A đoạn Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng dài 20 km, trong đó đoạn qua Sóc Trăng hơn 10 km, còn lại qua tỉnh Hậu Giang. Dự kiến, công trình hoàn thành sau 14 tháng kể từ ngày khởi công, tổng mức đầu tư trên 1.600 tỷ đồng.

Dự án luồng Sông Hậu giai đoạn 2 là công trình đường thủy được Bộ GTVT triển khai tiếp theo giai đoạn 1 đã hoàn thành năm 2017. Chiều dài luồng khoảng 46,5 km, trong đó, đoạn sông Hậu dài hơn 12 km, đoạn kênh Quan Chánh Bố hiện hữu dài hơn 19 km, đoạn kênh Tắt dài trên 8 km đào mới thông ra biển và đoạn kênh biển dài khoảng 7 km.

Giai đoạn 1 đã phục vụ tàu trọng tải đến 10.000 tấn, tàu 20.000 tấn giảm tải. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, luồng Sông Hậu sẽ thu hút được các tàu có trọng tải đến 20.000 tấn đầy tải lưu thông, đẩy nhanh tốc độ vận chuyển hàng hóa khu vực ĐBSCL.

Còn ở Tiền Giang là dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2. Theo quy mô được phê duyệt, dự án được đầu tư với tổng kinh phí khoảng hơn 1.335 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 29,79 ha.

Về phương án xây dựng, dự án sẽ nạo vét mở rộng luồng chạy tàu bờ Nam kênh Chợ Gạo (từ Km12+000 - Km21+850), tổng chiều dài khoảng 9,85km; thi công công trình bảo vệ bờ Nam kênh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh… Dự án dự kiến khởi công dịp cuối năm nay và hoàn thành trong năm 2023.

Nguồn: https://nhadautu.vn


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan